Công dân toàn cầu là những người sẵn sàng ra biển lớn và không sợ thất bại, dù biết rằng phía trước họ có không ít rủi ro.
Nếu được lựa chọn, ta có chọn trở thành công dân toàn cầu? Nếu được lựa chọn, ta có cho con ta trở thành công dân toàn cầu, lấy một anh chồng Tây, sinh sống ở xứ sở lạnh lẽo suốt đời?
Trong thế giới toàn cầu hóa, người ta có thể đi từ nước này qua nước khác, sinh sống, lập gia đình, tạo dựng sự nghiệp, rồi lại chuyển đến nước khác. Jos, một người bạn của tôi, là một thí dụ. Ông sinh ra ở Hà Lan, làm việc ở Ấn Độ, Việt Nam, rồi sang Singapore làm giám đốc vùng của một công ty đa quốc gia. Tất nhiên khi ông đi từ nước này qua nước khác, gia đình cũng chuyển theo. Sau đôi ba năm, con ông lại học ở một trường khác, thông thường là trường quốc tế. Phương Nga, em họ của tôi, sinh ở Việt Nam, học ở Đức, lấy chồng Đức, làm việc ở một tập đoàn đa quốc gia, cứ 3 năm lại di chuyển chỗ ở một lần. Hiện nay cô làm việc tại Ai Cập. Đối với cha mẹ cô, việc “lấy chồng Tây” là điều trước đây không thể tưởng tượng nổi. Các cụ cho rằng như vậy là “mất con” (?).
Công dân toàn cầu, theo tôi, là những người nhanh chóng hội nhập vào thế giới phẳng, hội nhập vào từng quốc gia mà họ đến. Họ xây dựng sự nghiệp cho công ty, đại diện cho đất nước họ mang quốc tịch hay sinh ra. Họ không nhất thiết coi mình là người Hà Lan, người Nhật hay người Việt, cũng không chỉ kết thân với những người đồng hương. Có lẽ Ngô Bảo Châu là một trong những biểu tượng của công dân toàn cầu người Việt.
Thế nhưng, cũng không ít người bôn ba khắp năm châu, nhưng nhất định phải về Việt Nam lập gia đình, xây dựng sự nghiệp. Về nhà, tự nó mang trong mình một cảm giác yếm thế, vậy mà đối với không ít người Việt Nam lại là điều mong đợi nhiều nhất. Đến độ, khi ra nước ngoài, vẫn phải tìm món ăn Việt Nam, nước mắm Việt Nam, xem phim, nghe nhạc Việt Nam như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Cả năm dành dụm được tiền là phải về Việt Nam, nhậu một bữa cá kèo, lai rai vài xị đế. Có người ở khu Little Saigon (Mỹ) cả đời mà không nói tiếng Anh. Họ chưa phải là công dân toàn cầu, vì họ vẫn còn nặng nợ với Việt Nam, hay do không hòa nhập nổi với nơi họ đang sống.
Nếu được lựa chọn, ta có chọn trở thành công dân toàn cầu? Nếu được lựa chọn, ta có cho con ta trở thành công dân toàn cầu, lấy một anh chồng Tây, sinh sống ở xứ sở lạnh lẽo suốt đời? Đặt câu hỏi này với 100 người Việt, có thể câu trả lời “không” chiếm đa số. Vì sao vậy? Vì có quá nhiều rủi ro khi trở thành công dân toàn cầu. Thứ nhất là các cuộc hôn nhân xuyên biên giới có thể khó hòa hợp. Thứ hai, làm công dân toàn cầu khó lập nghiệp một mình. Khi mới đặt chân đến một nước, ta phải dựa rất nhiều vào người bản địa để hiểu phong tục tập quán, để tiếp thị sản phẩm. Thế nhưng sau 3, 4 năm, khi bắt đầu quen với cuộc sống mới, ta lại phải chuyển đến một nơi… mới hơn. Thứ ba, con cái ta khó mà học giỏi hay bạo dạn, vì chuyển trường liên tục, chỉ biết tiếng Anh và rất ít bạn thân. Thứ tư, ta e ngại sẽ bị người đời coi mình mất gốc, vì tiếng Việt không thạo.
Ngoài yếu tố rủi ro, có lẽ vấn đề còn lại là ta quá yêu mến Việt Nam đến độ không thể nghĩ đến chuyện rời xa đất nước mình. Mà đây cũng không phải là điều lạ đối với người nước ngoài. Tôi biết nhiều người nước ngoài đến Việt Nam ban đầu thì không thích, phàn nàn đủ kiểu, sau đâm yêu Việt Nam, đến độ khi bị chuyển đi thì xin nghỉ việc chuyển sang công ty khác, nhận mức lương thấp hơn chỉ được để ở lại Việt Nam. Vì sống ở Việt Nam dễ dàng quá, khí hậu ôn hòa, con người niềm nở, kinh tế lại đang phát triển. Ta sợ khi ra nước ngoài phải cạnh tranh, lộ rõ điểm yếu của mình và sợ phải thất bại.
Dẫu sao mặc lòng, công dân toàn cầu là những người sẵn sàng ra biển lớn và không sợ thất bại. Rủi ro của những công dân toàn cầu rõ ràng là có. Nhưng không có thành công nào không phải trả giá. Theo tôi, có lẽ cách hợp lý nhất là từ năm 20 đến năm 35 tuổi hãy cố gắng trở thành công dân toàn cầu, vì “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Sau đó hãy quyết định xem mình nên quay về quê hương để tạo dựng sự nghiệp, hay tạo dựng sự nghiệp ở nước ngoài, như một công dân toàn cầu thực thụ.